Tỷ lệ người mắc viêm phế quản ngày càng gia tăng do những tác động từ môi trường, đời sống sinh hoạt. Ngoài các triệu chứng như ho, khạc đờm, viêm phế quản còn có biểu hiện nào? Nguyên nhân do đâu? Cách điều trị cụ thể ra sao? Chúng tôi giải đáp thắc mắc của bạn trong nội dung bài viết dưới đây.
Viêm phế quản là gì?
Phế quản là một ống dẫn khí nằm trong hệ hô hấp dưới của con người. Đây là cơ quan nối tiếp bên dưới khí quản, sau đó phân thành các nhánh nhỏ sâu bên trong phổi hình thành cây phế quản. Nhiệm vụ chính của phế quản là dẫn khí vào phổi.
Viêm phế quản là một thuật ngữ Y học chỉ tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản. Các tổn thương này gây ra hàng loạt các triệu chứng, trong đó điển hình nhất các cơn ho, đờm.
Để thuận tiện trong cách điều trị, viêm phế quản được chia thành 2 thể là cấp tính và mãn tính. Cụ thể:
Viêm phế quản cấp tính: Ở giai đoạn cấp tính, tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở niêm mạc phế quản chưa có sự tổn thương. Thông thường, nguyên nhân gây bệnh là do vi rút.
Viêm phế quản mãn tính: Đây là giai đoạn phát triển xấu đi của thể cấp tính. Ở giai đoạn này, ống phế quản sẽ liên tục bị kích thích, từ đó dẫn đến các biến chứng bệnh nguy hiểm (đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính). Viêm phế quản mãn tính có thể kéo dài trong thời gian dài (từ vài tháng đến vài năm). Mức độ ảnh hưởng ở giai đoạn mãn tính nghiêm trọng hơn cấp tính nhiều lần.
Triệu chứng viêm phế quản và dấu hiệu điển hình
Bệnh nhân thường sẽ gặp phải các triệu chứng bệnh lý sau đây:
Ho: Triệu chứng của bệnh viêm phế quản nổi bật nhất là ho. Tuy nhiên đây không phải là triệu chứng đặc hiệu do nó có thể là dấu hiệu của nhiều loại bệnh về đường hô hấp. Dựa trên tiếng ho, bác sĩ có thể phán đoán được người bệnh đang viêm phần nào của đường hô hấp. Người bệnh có thể ho khan, ho có đờm hoặc ho thành từng tiếng.
Sốt: Người bệnh viêm phế quản sẽ có biểu hiện sốt nhẹ, sốt cao. Các cơn sốt có thể diễn ra theo cơn hoặc sốt liên tục kéo dài. Một số trường hợp bệnh nhân không xảy ra triệu chứng này.
Tiết đờm: Đờm tiết ra ở đường hô hấp là sản phẩm của phản ứng viêm. Màu sắc đờm của người bệnh mắc viêm phế quản có thể là màu xanh, vàng hoặc trắng.
Thở khò khè: Do lòng phế quản bị thu hẹp nên thành phế quản bị phù nề, co thắt cơ trơn phế quản… Không khí qua khe hẹp ở phế quản sẽ phát ra tiếng khò khè. Tiếng thở khò khè của người bệnh viêm phế quản khác với người bệnh hen phế quản. Cụ thể, khi thử với thuốc khí dung thì bệnh sẽ không đáp ứng hoặc đáp ứng kém hơn hen phế quản.
Một số triệu chứng viêm phế quản khác mà người bệnh cần lưu ý gồm:
Thở nhanh hơn bình thường, khó thở
Xuất hiện Rale ẩm
Đờm di chuyển trong lòng ống phế quản tạo thành tiếng khi không khi lưu thông
Thay đổi về tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính
Nguyên nhân viêm phế quản
Theo Đại tá – Bác sĩ Nguyễn Bá Vưỡng (nguyên Phó khoa Đông y Viện YHCT Quân đội 108), hơn 90% các trường hợp viêm phế quản hiện nay là do sự tấn công của vi rút. Ngoài ra, bệnh có thể hình thành do nhiễm trùng vi khuẩn. Một số nguyên nhân dẫn đến viêm phế quản phổ biến khác là:
Tác động của môi trường: Bụi bẩn, ô nhiễm không khí, khói thuốc… là những tác nhân phổ biến gây tổn thương đường hô hấp, từ đó gây nên viêm phế quản.
Sức đề kháng kém: Hệ thống miễn dịch của người bệnh bị tổn thương là điều kiện thuận lợi để vi rút tấn công gây bệnh. Đặc biệt, nếu người bệnh đang mắc phải bệnh lý khác như cảm lạnh… Thông thường, người mắc viêm phế quản do nguyên nhân này chủ yếu là đối tượng người cao tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
Ảnh hưởng của công việc: Những người làm việc trong môi trường chứa chất kích thích đến phổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cao hơn những người khác. Nhóm đối tượng này thường là thợ cơ khí, thợ may hoặc công nhân của các nhà máy phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, khói trong quá trình sản xuất.
Ảnh hưởng của bệnh lý trào ngược dạ dày: Theo các bác sĩ, trào ngược dạ dày có thể gây ra viêm phế quản nếu người bệnh không can thiệp kịp thời. Nguyên nhân dẫn đến tổn thương ống phế quản là do sự lặp lại của các cơn ợ nóng, ợ chua kích thích vùng cổ họng.
Viêm phế quản có lây không?
Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến viêm phế quản trở thành bệnh lý phổ biến là do lây lan. Theo các chuyên gia, loại virus hợp bào gây ra viêm phế quản rất dễ phát tán, lây lan qua không khí. Thậm chí, trong trường hợp không kiểm soát chặt chẽ, virus hợp bào có thể phát triển trở thành một bệnh dịch. Viêm phế quản có thể lây lan theo 2 đường chính là:
Tiếp xúc trực tiếp giữa người với người: Người bình thường tiếp xúc trực tiếp với người bệnh có thể dẫn đến nhiễm bệnh. Virus hợp bào lây lan từ người này sang người khác thông qua con đường dịch tiết đường hô hấp.
Lây lan qua các vật dụng cá nhân: Nếu bạn dùng chung vật dụng cá nhân với người mắc bệnh viêm phế quản thì nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ rất cao. Các vật dụng cá nhân này có thể là khăn mặt, bát, chén, bàn chải… Các nghiên cứu chỉ ra rằng, virus hợp bào có khả năng sống sót lên đến vài giờ trên các đồ dùng cá nhân kể trên. Do vậy, việc bạn chạm đồ vật cá nhân vào miệng, mũi, mắt đều có thể dẫn đến bị lây lan virus gây bệnh.
Do có khả năng lây lan, người bệnh cần phát hiện và can thiệp điều trị viêm phế quản từ sớm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh. Đa số người bệnh lựa chọn kháng sinh đề điều trị. Tuy nhiên biện pháp này chỉ có thể kiểm soát tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn, khả năng phục hồi vùng phế quản bị tổn thương không cao. Thêm vào đó, việc dùng kháng sinh có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Nguồn: TaiMuiHong.net